• Home / Uncategorized / Quan hệ công…

Quan hệ công chúng là gì ? Quan hệ công chúng có phải là quảng cáo?

Ngành quan hệ công chúng dù xuất hiện từ lâu nhưng thực chất chỉ một số ít người có thể giải thích được thực sự quan hệ công chúng là gì, làm gì. Để giúp các bạn yêu thích hoặc mới bắt đầu với Quan hệ công chúng (PR – Public Relations) hiểu bản chất ngành và tự tin kể về nghề nghiệp của mình với gia đình, bạn bè, hay bất cứ ai đặt câu hỏi, hãy đọc hết bài viết dưới đây.

Quan hệ công chúng là gì?

Quan hệ công chúng được định nghĩa là các phương pháp và hoạt động giao tiếp do một cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ sử dụng để nâng cao sự hiểu biết và xây dựng mối quan hệ tích cực với các đối tượng bên ngoài. Theo Hiệp hội Quan hệ công chúng của Mỹ (PRSA): “Quan hệ công chúng là quá trình giao tiếp mang tính chiến lược nhằm xây dựng mối quan hệ cùng có lợi giữa tổ chức/ doanh nghiệp và công chúng.”

Bản chất của nghề quan hệ công chúng là xây dựng, cải thiện hình ảnh về một cá nhân, một công ty, chuyển phát thông tin tới giới truyền thông và lôi kéo sự chú ý của họ. Nhân viên PR phải có khả năng thuyết phục. Và mặc dù hiệu quả không thể sờ thấy được, việc tạo ra hình ảnh riêng và tăng thiện ý từ phía khách hàng, công chúng là những kết quả cuối cùng mà người làm PR phải đạt tới.

Vai trò chính của nhân viên PR trong hoạt động xúc tiến thương mại là giúp công ty truyền tải các thông điệp tích cực đến khách hàng và những nhóm công chúng quan trọng của họ. Sau khi các nội dung tới nhóm đối tượng đích thông qua PR, sản phẩm dễ đi vào nhận thức của khách hàng hơn.

Trong các doanh nghiệp hiện nay, phạm vi hoạt động của nhân viên PR rất rộng, nhưng đa phần tập trung ở các mảng: tổ chức các sự kiện đặc biệt, khắc phục khủng hoảng, bất ổn, duy trì quan hệ với giới truyền thông, với các cơ quan chức trách… Bên cạnh đó, PR còn làm các công việc như chuẩn bị thông tin, tài trợ, từ thiện, đối nội…

Quan hệ công chúng có gì khác với quảng cáo?

Chi phí, công sức, độ tin cậy giữa quảng cáo và quan hệ công chúng không giống nhau bởi doanh nghiệp chi tiền để quảng cáo nhưng phải bỏ rất nhiều công sức để xây dựng quan hệ với công chúng. Quảng cáo thường khiến khách hàng hoài nghi còn quan hệ công chúng thường được đánh giá đáng tin cậy hơn.

Quảng cáo là hình thức truyền thông mất phí, còn quan hệ công chúng là truyền thông mang tính lan truyền. Điều này có nghĩa là bạn cần thuyết phục các phóng viên, biên tập viết câu chuyện tích cực về thương hiệu, nhân viên, khách hàng của mình, hay thậm chí là các vấn đề công ty đang gặp phải. Câu chuyện sẽ được xuất hiện trong phần bài viết của tạp chí, báo đài, TV chứ không thuộc chuyên mục quảng cáo. Bởi vậy, câu chuyện của nhãn hàng sẽ trở nên đáng tin cậy hơn nhờ sự chứng thực từ một bên thứ ba, chứ không phải do bản thân doanh nghiệp đưa ra.

Dưới đây là bảng thống kê các khác biệt cơ bản giữa PR và Quảng cáo theo Forbes:

 

Quảng cáo

   Quan hệ công chúng

Trả phí Lan truyền
Tập trung thể hiện sản phẩm Tập trung xây dựng lòng tin
Công chúng hoài nghi Đáng tin cậy hơn nhờ đơn vị thứ 3 xác thực
Được lựa chọn vị trí xuất hiện Không có gì đảm bảo, buộc phải thuyết phục truyền thông
Tự do sáng tạo Đơn vị thứ 3 kiểm soát bản cuối
Quảng cáo sử dụng chủ yếu về hình ảnh PR sử dụng ngôn từ
Tốn kém Ít tốn kém
“Hãy mua sản phẩm” “Điều này rất quan trọng”

Sự khác biệt lớn nhất có thể kể tới chính là giá cả, các công ty PR tính phí hàng tháng hoặc theo từng dự án cụ thể còn quảng cáo có thể tốn ngân sách khổng lồ. Ví dụ như để có một trang  quảng cáo trên các báo, tạp chí lớn có thể tốn vài chục triệu đồng trong khi hiệu quả không thể bằng việc xuất hiện trên các trích dẫn của tờ báo uy tín, nổi tiếng hoặc đài truyền hình quốc gia nhắc tên. Hơn nữa, quảng cáo cần được lặp lại nhiều lần mới thực sự gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Vì mục đích lớn nhất của ngành quảng cáo là muốn bạn chi thêm nhiều hơn nữa nên họ sẽ nói với khách hàng những gì họ muốn nghe về quảng cáo áp phích, truyền hình. Còn Quan hệ công chúng sẽ tập trung vào các khủng hoảng, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp và tạo nên mối quan hệ lâu dài với cộng đồng mà ở đó, câu chuyện của bạn sẽ được lắng nghe và tin tưởng.

Không chỉ người làm PR mà các marketers cũng cần hiểu rõ quan hệ công chúng là gì để có thể kết hợp và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của hai bộ phận trong công ty. Mặc dù có điểm khác biệt lớn nhưng PR và Quảng cáo là 2 thứ không thể hoạt động riêng lẻ.

(Theo: Thao Nguyen – MarketingAI)