• Home / Góc nhìn PR / Livestream – Xu…

Livestream – Xu hướng nổi bật của thương mại điện tử trong thời kỳ “bình thường mới”

Nếu nhiều năm trước thương mại điện tử từng bước thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ, thì thời gian gần đây, Livestream cũng đang dần thay lớp áo mới cho ngành thương mại điện tử. 

Sự kiện Livestream của thương hiệu Kolh’s tại New York Fashion Week 2015 đã mở đầu cho thời kỳ phát triển của hình thức này. Trong đó, Trung Quốc là một trong những đất nước bùng nổ mạnh mẽ nhất khi tiếp cận khách hàng nữ có nhu cầu mua các sản phẩm thời trang qua các nền tảng Taobao và Mogujie vào thời kỳ đầu xuất hiện.

Gần đây, đại dịch COVID-19 đã góp phần khiến xu hướng Livestream trong ngành thương mại điện tử trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Livestream đang đem lại những thành công gì cho thương mại điện tử?

Các ông lớn thương mại điện tử đã và đang đạt được những thành công rực rỡ nhờ tận dụng Livestream để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trung Quốc là đất nước dẫn đầu xu hướng Livestream bán hàng. Trong đó, Taobao – trang thương mại điện tử hàng đầu của ông lớn Alibaba – đã kiếm được hơn 15.1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch năm 2018 nhờ Livestream. Và con số được đẩy lên đến 38.4 tỷ USD vào dịp Lễ Độc Thân (11/11) năm 2019, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, khi có đến hơn 17,000 shop tham gia Livestream.

Lễ hội Global Shopping của Alibaba được tổ chức vào tháng 11/2019. Nguồn hình: Alibaba.
Lễ hội Global Shopping của Alibaba được tổ chức vào tháng 11/2019. Nguồn hình: Alibaba.

Lazada và đối thủ không đội trời chung Shopee cũng mang Livestream lên nền tảng của mình ở các nước khu vực Đông Nam Á.

Show thời trang Livestream “See Now Buy Now” được tổ chức vào tháng 5/2019 của Lazada tại Thái Lan, quy tụ nhiều thương hiệu thời trang nội địa Thái Lan và Philippines, đã thu hút sự theo dõi của 120.000 người nước này trên online và mang lại ít nhất 20% tăng trưởng doanh thu so với bình thường, với số hàng hóa được bán sạch trong nửa ngày.

Trong khi đó, Shopee cũng không kém cạnh khi hàng trăm thương hiệu như L’Oréal, Chope, Innisfree,… nhận định doanh thu tăng đến 75% khi tham gia Livestream trong chiến dịch “Great Shopee Sale” kéo dài một tháng.

Tại Việt Nam, TikiLive cũng ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ khi đưa tính năng Livestream vào ứng dụng của mình năm 2018. Nhiều nhà bán hàng cho biết doanh thu những ngày có Livestream tăng cao gấp nhiều lần bình thường, doanh thu từ TikiLive chiếm hơn 70% tổng doanh thu trên sàn.

Với bước đầu thuận lợi, Tiki đã mạnh dạn dùng hình thức này làm kênh tương tác chủ lực với khách hàng và đặt lịch Livestream cố định hàng tháng, bắt đầu từ tháng 6/2019. Sự thành công của Tiki cũng kéo các đối thủ Shopee, Lazada, Sendo gia nhập cuộc chơi tại Việt Nam.

Tuy chậm trễ nhưng ông lớn trời Tây Amazon cũng dần bắt kịp xu hướng khi giới thiệu chức năng Amazon Live vào 2019. Vẫn cần thời gian để kiểm chứng công dụng của Livestream trên trang thương mại điện tử hàng đầu này, nhưng có vẻ Amazon đã nhận ra sức mạnh của Livestream cũng như thành công nó mang lại đối với những đối thủ phương Đông.

Livestreamer – Mấu chốt cho sự tăng vọt của các giao dịch?

Hình thức Livestream thực sự là một ý tưởng đột phá hỗ trợ người bán thúc đẩy doanh số khi giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.

Không còn những dòng chữ khô khan hay những hình ảnh khó phân thật giả, với Livestream, khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm thông qua việc theo dõi influencer (người có ảnh hưởng lớn trong một cộng đồng) sử dụng sản phẩm. Đồng thời có thể tương tác, đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời nhanh chóng, không chỉ từ nhân vật mà cả các khán giả đang cùng theo dõi Livestream.

Các hình thức Livestream đa dạng cũng giúp đem đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khán giả. Trong hình là một đợt Livestream của Lazada vào tháng 5/2019. Chuỗi sự kiện đã thu hút hơn 400,000 người theo dõi online. Nguồn hình: Cifnews.
Các hình thức Livestream đa dạng cũng giúp đem đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khán giả. Trong hình là một đợt Livestream của Lazada vào tháng 5/2019. Chuỗi sự kiện đã thu hút hơn 400,000 người theo dõi online. Nguồn hình: Cifnews.

Erika Wang – Đại diện bộ phận E-marketing của Lancôme Trung Quốc – cho biết: “Livestream đại diện cho cửa hàng online chính thức của chúng tôi. Chúng tôi dựng nên những gian hàng Livestream nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm.”

Do việc Livestream không thể chỉnh sửa cắt ghép như video hay hình ảnh thông thường, nên khách hàng cảm thấy như có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm thật, từ đó mức độ tin tưởng cũng tăng lên.

Thế nhưng, hiệu quả của hình thức bán hàng này khó có thể bùng nổ đến vậy nếu thiếu đi nhân tố mấu chốt: các Livestreamer.

Sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm tỷ lệ thuận với uy tín của Livestreamer. Khách hàng có thể dễ dàng bị thuyết phục hay thậm chí cực kì trung thành với những livestreamer đã tạo dựng được sự kết nối, yêu thích và tin tưởng.

“Ông hoàng son môi Trung Quốc” Lý Giai Kỳ từng bán được 15,000 thỏi son trong 5 phút, hay “nữ hoàng Livestream” Viya bán được tất cả mọi thứ, kể cả chiếc tên lửa trị giá 5.6 triệu USD, là những ví dụ tiêu biểu về Livestreamer thành công.

Lý Giai Kỳ và Jack Ma đã đem về doanh thu 145 triệu USD trong một đợt Livestream. Nguồn hình: Youku
Lý Giai Kỳ và Jack Ma đã đem về doanh thu 145 triệu USD trong một đợt Livestream. Nguồn hình: Youku

Lý Giai Kỳ nổi tiếng với những câu nói thương hiệu như “Ôi trời ơi” và “Các em gái ơi” mang đầy tính giải trí, nhưng cách nói chuyện lại nhẹ nhàng, thân thiện với lý luận thuyết phục nên đã được lòng rất nhiều khán giả.

Anh còn được biết đến vì sự thẳng thắn, sẵn sàng phê bình những thương hiệu nổi tiếng như Chanel, và giới thiệu những sản phẩm mình thực sự thích, nên những khuyến nghị của Lý Giai Kỳ mang tính thuyết phục hơn đối với người tiêu dùng.

Với sức ảnh hưởng khổng lồ, trong buổi Livestream Lễ Độc Thân trên Taobao Live, Lý Giai Kỳ đã thu hút hơn 36 triệu khán giả, và chỉ với 5 phút dành cho mỗi sản phẩm, anh đã mang về doanh thu hơn 145 triệu USD.

Trải nghiệm Livestream cùng Viya. Nguồn hình: Campaignasia.
Trải nghiệm Livestream cùng Viya. Nguồn hình: Campaignasia.

Với khả năng bán tất cả mọi thứ, Viya được fans gọi với biệt danh Dora-Viya, dựa theo tên của chú mèo máy có hàng vạn món bảo bối thần kì Doraemon. Viya chia sẻ: vì tự định vị mình là người giúp khách hàng đưa ra quyết định, nên cô luôn đặt nhu cầu của họ lên hàng đầu.

Helen Lu, người phát ngôn của Procter & Gamble khu vực Trung Quốc Đại lục, cho biết: “Khách hàng thường phải trải qua quá trình nhận thức, quan tâm rồi đến mua hàng và sau đó là trung thành. Nhưng nhờ làm việc với những Livestreamer hàng đầu như Viya, quá trình này trở nên ngắn hơn rất nhiều.”

Tuy Livestream có rất nhiều yếu tố kích thích người mua, nhưng điều quan trọng nhất để mang lại thành công lâu dài chính là những tư vấn hữu ích của influencer và chất lượng sản phẩm.

COVID-19 góp phần đẩy mạnh sức ảnh hưởng của xu hướng livestreaming

Đại dịch COVID-19 với những ảnh hưởng của nó lên hoạt động kinh doanh và thói quen tiêu dùng, buộc các thương hiệu cùng nhà bán lẻ phải tìm kiếm hình thức mới để tiếp cận khách hàng.

Các địa điểm buôn bán sầm uất trở nên vắng bóng người qua lại do quy định giãn cách xã hội. Người dân hạn chế ra đường, dẫn đến việc các loại hình giải trí, mua bán, trao đổi trực tuyến được dịp trăm hoa đua nở. Xu hướng Livestream vốn thịnh vượng tại Trung Quốc càng được dịp bùng nổ mạnh mẽ giữa tình hình dịch bệnh.

Tháng 3 năm nay, Taobao Live ghi nhận mức giao dịch tăng đến 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng người đăng ký bán hàng trên nền tảng Livestream này vào tháng 2 tăng 719% so với tháng trước, nâng số lượng người bán mới trong năm tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng người xem livestream cũng ước tính sẽ đạt 526 triệu trong năm nay.

Jialu Shan, nhà kinh tế và học giả về thị trường châu Á và các thị trường mới nổi tại Viện phát triển quản lý quốc tế, cho rằng:

“Trước đại dịch, Livestream chỉ là một trong những lựa chọn để các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành phần thiết yếu trong cách mọi người mua sắm. Đối với tôi, đây sẽ là kênh thúc đẩy doanh số trong thời buổi ‘bình thường mới’ và tạo thêm một nguồn doanh thu mới.”

Kết

Dù đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, hình thức Livestream chưa thực sự lớn mạnh tại phương Tây. Tuy nhiên, những ghi nhận về lượng mua hàng trực tuyến tăng vọt trong thời gian dịch bệnh là dấu hiệu tích cực cho thấy quá trình chuyển đổi số của ngành bán lẻ đang diễn ra mạnh mẽ.

 

Đơn hàng online tăng 80% tại Bắc Mỹ vào từ tháng 1/2020. Nguồn hình: Ccinsight.
Đơn hàng online tăng 80% tại Bắc Mỹ vào từ tháng 1/2020. Nguồn hình: Ccinsight.

Dữ liệu từ COVID-19 Commerce Insight cho thấy doanh thu từ thương mại điện tử ở châu Âu tăng 40-80% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đơn hàng trực tuyến ở Mỹ cũng tăng 80% kể từ tháng 1 năm nay.

Livestream đang thay đổi toàn bộ ngành thương mại điện tử như thế nào?-5

 

Một nghiên cứu của Kantar cho thấy 6 trong số 10 người tiêu dùng châu Âu sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến như hiện tại dù đại dịch có qua đi.

Với những con số tăng trưởng rất ấn tượng của ngành bán lẻ khi Livestream được ứng dụng, rất có thể trong thời gian ngắn, chúng ta không chỉ nhìn thấy nhiều hơn sự tích hợp của hình thức này vào các chiến lược bán hàng, mà là cả sự bùng nổ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác trên toàn cầu.

Nguồn bài viết: https://vietcetera.com/vn/livestreaming-dang-thay-doi-toan-bo-nganh-thuong-mai-dien-tu-nhu-the-nao?utm_source=v-1&utm_medium=xem-nhieu-nhat&utm_campaign=article-detail-page-recommendations&fbclid=IwAR3LFQnVquh_IDiePwZ0Ub7VxO02L2xTPH0zifB9-LCG7wuREa1qpB4Q-yw

Xem thêm các bài viết khác: