Những chiến dịch marketing viral nhất thế giới năm 2020
Từ chiến dịch gọi tên người chuyển giới viral trên khắp mạng xã hội của Starbucks cho tới con số quyên góp khổng lồ cho lực lượng y tế chống dịch tuyến đầu trong campaign nhân văn của Leon, chúng tôi giới thiệu đến bạn Top những chiến dịch marketing viral thành công nhất năm 2020 trong bài viết dưới đây!
Just Eat – chiến dịch hợp tác cùng rapper Snoop Dogg
Snoop Dogg đã được trả 5,3 triệu bảng để xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo Just Eat, đây được xem là một khoản đầu tư “hời” tới từ gã khổng lồ ngành đồ ăn nhanh khi chiến dịch đã giúp hiệu suất kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2020.
Số lượng đơn đặt hàng của Anh trong quý 3 đã tăng 43% lên 46,4 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng đơn đặt hàng mang đi này vẫn tiếp tục tăng 27% lên 123,2 triệu do các hạn chế trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.
Được phát hành vào tháng 5, quảng cáo của Snoop Dogg đã tạo tiếng vang lớn với truyền thông. Chiến dịch mô tả lại cựu chiến binh nhạc rap đang cảm thấy nhàm chán vì bài bài hát Just Eat quen thuộc. Anh đã sáng tạo ra phiên bản rap của riêng mình, hào hứng khi ăn cánh gà và order món tacos.
Quảng cáo do McCann London tạo đã bị hoãn lại 5 tuần trước đó do ảnh hưởng của dịch. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 500 người dùng xem liệu họ có thích xem những quảng cáo nhẹ nhàng trong thời gian cao điểm của dịch bệnh hay không. Câu trả lời là rất nhiều người thích thú vì quảng cáo tràn ngập tiếng cười sảng khoái.
Giám đốc Marketing của thương hiệu tại Anh – Matt Bushby đã mô tả sự chuyển đổi trong thông điệp từ hỗ trợ và cung cấp thông tin về dịch bệnh sang một chiến dịch ăn mừng nhẹ nhàng như một “bước chuyển mình” cho thương hiệu.
“Thời điểm khi ý tưởng này còn nằm trên giấy, nhiều người cho rằng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì lúc đó ai cũng nói về đại dịch và ngân sách quảng cáo thì eo hẹp, không thể sử dụng mạo hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi đã theo dõi dữ liệu liên tục và lắng nghe những gì người tiêu dùng và các nhà hàng của chúng tôi đang làm để đánh giá xem khi nào thì nên thay đổi trong cách tiếp cận”, Bushby nói.
Quảng cáo được khép lại bằng một đoạn teaser digital dài 15 giây bao gồm những nội dung được quảng cáo từ trước trên Snapchat, YouTube, TikTok và nền tảng trò chơi Twitch, củng cố thêm cho chiến lược quảng bá truyền hình và tài trợ của hãng trở nên phổ biến, rộng rãi hơn. Kết quả cho thấy, chỉ tính riêng trên YouTube, video đã đạt được 9,5 triệu views.
Ngoài ra, chỉ số nhận diện quảng cáo YouGov BrandIndex cho thấy tác động lâu dài của chiến dịch khi tăng từ 29,4 vào tháng 5 lên 37,1 vào tháng 11. Thương hiệu cũng đã vượt qua các đối thủ của mình là Deliveroo (27,4 điểm nhận biết quảng cáo trong tháng 11) và Uber Eats (18,5).
Bushby tin rằng chính giọng điệu hài hước nhẹ nhàng vào thời điểm mọi người “khao khát sự tích cực” đã giúp Just Eat đạt được “mức tăng trưởng đáng kể hàng năm” trong suốt nửa cuối năm 2020.
KFC – Huyền thoại trở lại
Tom Fishburne, chuyên gia marketing của AKA đã có một buổi thuyết trình tuyệt vời tại Festival of Marketing năm nay để nói về những ưu điểm khi sử dụng yếu tố giải trí hài hước trong quảng cáo.
Ông cho biết, điều này đặc biệt quan trọng vào năm 2020, khi một loạt thương hiệu đang đi theo xu hướng sản xuất quảng cáo lồng tiếng với nhạc phim bay bổng và sẵn sàng ủng hộ người tiêu dùng trong thời điểm căng thẳng của đại dịch. Giống như chiến dịch vui nhộn của KFC dưới đây.
Để đánh dấu việc mở cửa trở lại của 500 nhà hàng vào tháng 5, KFC đã khởi động một chiến dịch khác biệt, hài hước và hấp dẫn. Video đã sử dụng những hình ảnh lấy từ chiến dịch truyền thông xã hội #RateMyKFC, khuyến khích mọi người tự làm gà rán KFC tại nhà và đăng chúng lên mạng xã hội để thương hiệu nhận xét.
Quảng cáo kết thúc với KFC trấn an người tiêu dùng rằng “chúng tôi cũng nhớ bạn” và khẳng định sẽ bán các thành phẩm xuất hiện trong video. Quảng cáo KFC vui nhộn, phù hợp với hình ảnh thương hiệu hãng đồ ăn nhanh và với đối tượng hãng hướng đến.
Leon – Feed NHS
Khi lệnh đóng cửa bắt đầu được áp đặt, chuỗi cửa hàng ăn uống Leon đã nhen nhóm một kế hoạch. Thay vì để các cửa hàng của mình nằm im không hoạt động do những hạn chế đặt ra đối với lĩnh vực khách sạn, chuỗi cửa hàng ăn uống đã chuyển sang cung cấp thức ăn cho nhân viên tuyến đầu chống dịch.
Leon đã tạo ra một nền tảng kêu gọi công chúng quyên góp tiền để tài trợ những bữa ăn nóng hổi cho công nhân NHS, thành lập một liên minh các chuỗi nhà hàng – bao gồm Tortilla, Dishoom, HOP và Wasabi – để giúp phục vụ các bữa ăn. Trong vòng bốn giờ đầu tiên hoạt động, chiến dịch đã quyên góp được 150.000 bảng Anh và Leon đã dành riêng bốn nhà hàng của mình để phục vụ NHS.
Khi cả nước dường như xích lại gần nhau hơn vì Covid-19, Leon đã điều chỉnh 11 nhà hàng của mình thành siêu thị mini để phục vụ cho cư dân địa phương sống gần các cửa hàng này, đặc biệt là những nhân viên quan trọng luôn có nhu cầu tìm kiếm bữa ăn sau ca làm việc dài. Bắt đầu từ việc bán những thứ cơ bản như sữa, bánh mì và trứng, nhóm đã đẩy nhanh việc phát triển các món hầm của riêng Leon thành các bữa ăn sẵn được đóng gói trong túi, một sự đổi mới mà thương hiệu đã bắt đầu thử nghiệm với chuỗi cửa hàng Sainsbury’s.
Tiếp đó, Leon tiến hành giúp đỡ những người nông dân trồng và sản xuất thực phẩm thông qua ý tưởng kết nối và biến họ trở thành chuỗi cung ứng chính cho các nhà hàng của hệ thống. cũng như là nhà cung cấp thực phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng.
Nền tảng Feed Britain cho phép người tiêu dùng đang gặp khó khăn trong việc mua các đồ ăn dữ trữ có thể order mua các hộp trái cây, rau, sữa và bữa ăn tạp hóa qua hình thức online. Bất kỳ khoản lợi nhuận nào thu được cao hơn chi phí vận hành trang web đều sẽ được quyên góp cho NHS.
Giám đốc phụ trách phát triển bền vững và giá trị của Leon, Kirsty Saddler chia sẻ việc ra mắt nền tảng NHS Feed cho thấy sức mạnh của việc hợp lực các tổ chức lại với nhau và đặt lợi ích cạnh tranh sang một bên. Cô tin rằng đại dịch đã buộc các thương hiệu phải nhìn vào hành động thật sự của họ chứ không chỉ giấu mình sau những tuyên bố đầy mục đích.
Động thái của Leon nhằm xây dựng một liên minh xung quanh sứ mệnh Feed NHS đã thu hút sự chú ý của công chúng và mang đến cho người tiêu dùng một cơ hội để hỗ trợ nhân viên tuyến đầu trong thời gian phong tỏa. Hiệu quả branding là vô cùng rõ ràng và thông điệp đã được truyền tải ngay lập tức tới công chúng.
Với chiến dịch này, Leon đã chứng tỏ khả năng xoay sở nhanh chóng trong những thời điểm khó khăn để tạo ra một giải pháp hiệu quả mang đến sự khác biệt rõ ràng cho các nhân viên tuyến đầu và cho thấy sức mạnh của sự hợp tác, một mục tiêu mà Leon hy vọng sẽ thực hiện được vào năm 2021
Lifebuoy – Bish Bash Bosh
Lifebuoy đã quay trở lại trong năm nay, khởi động với chiến dịch mang tên ‘Bish Bash Bosh’ cùng khoản đầu tư 12 triệu bảng Anh nhằm mục đích tái định vị thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng.
Chiến dịch do MullenLowe Group tạo ra dựa trên nhận thức sâu sắc rằng, khi các quy định về cách ly được nới lỏng, mọi người thường ít chú ý tới việc rửa tay hơn. Để tái thiết lập điều này, chiến dịch đã tạo ra một loạt hình ảnh lạc quan, đầy màu sắc khi về khoảnh khắc con người cần dùng tới Lifebouy khi đi siêu thị, bắt xe buýt và sử dụng thiết bị chip nhắc mọi người khi nào cần rửa tay và vệ sinh tay.
Lifebuoy cũng hợp tác với agency chuyên thực hiện các chiến dịch marketing cho trường học là We Are Futures để giáo dục trẻ em tiểu học về lợi ích của việc rửa tay cũng như phân phát bộ dụng cụ vệ sinh tay miễn phí cho các trường học. Những tài liệu và công cụ học tập này nhằm giúp dạy trẻ em về vệ sinh tay và hình thành thói quen tốt.
National Centre for Domestic Violence – nạn bạo lực gia đình
Nếu hỗ trợ nhân viên y tế tuyến đầu là một trong những thông điệp quan trọng xuất hiện khi đại dịch bùng phát, thì có một sự thật gây sốc khác đó là lệnh phong tỏa cũng khiến nạn bạo lực gia đình gia tăng nhanh chóng.
Khi nhiều công nhân ở Anh phàn nàn về chất lượng cuộc gọi qua Zoom hay tìm nơi đặt thiết bị máy tính thì tình trạng lạm dụng đã tăng 49% trong thời gian phong tỏa. Ngôi nhà – nơi được xem là không gian an toàn cho mọi người dân nay đã không còn.
Được phát triển bởi Wunderman Thompson Vương quốc Anh, thông điệp từ National Centre for Domestic Violence (Trung tâm Quốc gia về bạo lực gia đình) nêu rõ thực tế: không gian làm việc mới mẻ tại nhà cũng sẽ là nơi mà kẻ bạo hành hoạt động.
Một chiến dịch đã được khởi động cùng video mô tả lại khoảng thời gian phong tỏa, hình ảnh một gia đình có vẻ rất hạnh phúc nhưng thực ra đang sống dưới bóng của việc lạm dụng.
Trong khi bố, mẹ và con cái tham gia vào các hoạt động tích cực như ‘Clap for Carers’ (chiến dịch vỗ tay cho đội ngũ y tế chống dịch), dán ảnh cầu vồng lên cửa sổ hay gọi điện cho gia đình của họ, bạo lực vẫn tồn tại như một cái bóng. Sự thật bị lột trần chỉ khi cảnh người cha đuổi theo người mẹ lên lầu, bà tự nhốt mình trong phòng tắm và cố gắng an ủi lũ trẻ bằng những lời hứa rằng mọi thứ sẽ ổn.
Video được quay từ xa trong thời gian giãn cách xã hội, sử dụng phần lồng tiếng của Vicky McClure – diễn viên từng đóng vai trong bộ phim “I am Nicole”. Để giúp thông điệp được lan rộng hơn nữa, JCDcaux và Clear Channel đã tặng không gian quảng cáo miễn phí ngoài trời cho chiến dịch.
Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Bạo lực Gia đình, Mark Groves cho biết ông rất bất ngờ trước sự ủng hộ dành cho chiến dịch. Tổ chức đã lật tẩy một sự thật trần trụi: nhà không phải là nơi an toàn, bạo lực gia đình có thể xảy ra bất cứ lúc nào và cần bị lên án dù trong giai đoạn phong tỏa hay không.
Starbucks – Every name’s a story
Vào đầu năm nay, Starbucks đã tung ra chiến dịch ‘Every name’s a story’, quảng cáo khuyến khích người chuyển giới sử dụng tên gọi mà họ muốn trước công chúng thay vì tên khai sinh.
Phong cách order đồ uống đặc biệt của Starbucks đã tạo niềm cảm hứng cho agency Iris thực hiện chiến dịch này. Khách hàng khi đến Starbucks sẽ được nhân viên hỏi tên trước khi order đồ uống để sau khi làm xong, họ sẽ in tên của khách hàng lên đó và trao lại cho họ. Chiến dịch đã được vinh danh trong hạng mục giải thưởng quảng cáo ý nghĩa nhất năm 2019 của kênh truyền hình Channel 4.
Được biết, nguồn gốc của chiến dịch bắt đầu từ câu chuyện về một cậu bé chuyển giới đang cảm thấy chán chường, bế tắc khi mọi người xung quanh cậu vẫn khăng khăng gọi tên khai sinh của cậu mà không phải tên mới. Chỉ khi bước vào Starbucks và thấy tên mình được viết lên cốc cafe, cậu mới cảm thấy được trân trọng.
Không có gì ngạc nhiên khi chiến dịch này của Starbucks đã rất viral trên Internet. Khi thế giới ngày càng có nhiều định kiến bất công với người chuyển giới, Starbucks đã bình thường hóa trải nghiệm cộng đồng, khẳng định rằng bất cứ ai cũng đều được đối xử bình đẳng. Rất nhiều người dùng cảm thấy được truyền cảm hứng qua cách kể chuyện chân thực và đơn giản của hãng.
Trên thực tế, người chuyển giới gần như không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông (chỉ 0,3% quảng cáo có người chuyển giới theo một nghiên cứu của Channel 4) nhưng trong chiến dịch này, người chuyển giới đã xuất hiện ở khắp mọi nơi, bao gồm cả những người xuất hiện trước và sau máy quay.
Thương hiệu cũng triển khai những hành động cụ thể để chứng minh cho quan điểm ủng hộ người chuyển giới của mình. Bắt đầu bằng việc hợp tác với Mermaids – một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh chuyên hỗ trợ trẻ em, thanh niên và gia đình đa dạng về giới tính – với quảng cáo gây quỹ từ thiện 100.000 bảng Anh bằng cách bán một chiếc bánh quy cầu vồng trong các cửa hàng.
Sự hợp tác cũng nêu bật cách quảng cáo đã được cảm nhận trong cộng đồng khi tổ chức từ thiện yêu cầu những người chuyển giới tiếp tục sống theo cách họ muốn nếu họ có trải nghiệm tương tự như trong quảng cáo và đã có 30 người gọi điện chia sẻ với nhãn hàng trong vòng 24 giờ đầu tiên.
Tesco – Some little helps for safer shopping
Tesco đã có một năm 2020 tương tối thành công. Hãng được ca ngợi về khả năng xử lý khủng hoảng và cách giao tiếp với nhân viên và ngân hàng trong thời gian xảy ra đại dịch. Việc ra mắt chiến dịch Some little helps for safer shopping hồi tháng 3 đầu năm nhằm nêu bật những biện pháp vệ sinh mà công ty đã áp dụng để bảo vệ khách hàng là một ví dụ nổi bật trong số đó.
Theo dữ liệu từ Kantar, chiến dịch đã thúc đẩy doanh số bán hàng ngắn hạn và giá trị dài hạn cho thương hiệu khi khắc sâu hình ảnh hãng vào tâm trí khách hàng, tăng brand memorability – khả năng ghi nhớ thương hiệu cao hơn.
Ngoài ra, chiến dịch ‘Food Love Stories’ tiếp tục tái định vị mảng cung cấp thực phẩm của Tesco, trong khi đó chiến dịch ‘It About Bloody Time’ – một chiến dịch in ấn mới từ Tesco cũng chạy song song đó nhằm ủng hộ bước tiến mới khi hãng trở thành siêu thị đầu tiên của Vương quốc Anh quảng cáo băng gạc dành cho nhiều tông màu da khác nhau.
Chiến dịch quảng cáo “Giới thiệu ấm trà giãn cách xã hội” đã thu hút nhiều sự chú ý khi ra mắt trong bối cảnh cao điểm dịch Covid-19. Trong clip, ấm trà được tái thiết kế với phần mũi ấm được kéo dài – một hình ảnh hài hước nhằm nhắc nhở mọi người tuân thủ khoảng không giãn cách 2 mét giữa người với người.
Chiến dịch còn nhằm tôn vinh những khoảnh khắc rất đỗi bình thường trong cuộc sống văn phòng, trong các cuộc họp cho tới không gian bàn làm việc. Và đặc biệt là ấm đun nước – những thứ mà tất cả chúng ta tưởng chừng đã bỏ lỡ nhưng biết rằng nó sẽ nhanh chóng trở lại vào thói quen trong cuộc sống làm việc hàng ngày của chúng ta. Hay nói cách khác, Yorkshire Tea sẽ là một phần quan trọng trong những thói quen hàng ngày và nó sẽ giúp chúng ta trở lại bình thường.
Năm ngoái, thương hiệu trà này đã trở thành hãng bán trà bán chạy nhất ở Anh và thuyết phục thành công người tiêu dùng sử dụng trà túi lọc nhiều hơn. Sau chiến dịch, tỷ lệ tương tác đã tăng lên đáng kể trong 12 tháng qua (tăng 10%), với phạm vi tiếp cận là 1 triệu, 500.000 lượt xem video và tăng 57% lượt đề cập thương hiệu.
Kết
Trên đây là những chiến lược Marketing đình đám nhất trong năm 2020. Dù Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống nhưng thông qua các chiến dịch này, người ta nhìn thấy nhiều điểm sáng tích cực, lạc quan và tình người ấm áp giữa đại dịch.
Nguồn bài viết: https://marketingai.admicro.vn/top-nhung-chien-dich-marketing-viral-nhat-the-gioi-nam-2020-phan-ii/
Xem thêm các bài viết tại: