Marketing 4.0 là gì?
Marketing 4.0 là gì? Từ Marketing 1.0 đến Marketing 4.0, các doanh nghiệp cũng cần có sự chuyển mình theo sự thay đổi này.
1. Từ Marketing 1.0 đến Marketing 4.0
Trước khi tìm hiểu Marketing 4.0 là gì, trước tiên chúng ta hãy quay ngược thời gian lại một chút để thấy sự thay đổi giữa các “chấm”.
Marketing 1.0 là gì?
Marketing 1.0 lấy sản phẩm làm trung tâm.
Đây là thời kỳ cạnh tranh về chất lượng, tính năng sản phẩm/dịch vụ.
Marketing 1.0 xuất hiện từ khi cuộc Cách Mạng Công Nghiệp (1760 – 1830) bùng nổ. Nhu cầu thị trường tăng nhanh, nhưng doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất chưa đáp ứng kịp. Vì vậy, trong giai đoạn này họ không cần phân khúc thị trường để tìm ra nhóm người mua tốt nhất, hay nói cách khác họ đang kinh doanh trên thị trường đại chúng.
Sản phẩm là trung tâm, các yếu tố còn lại xoay quanh trung tâm này.
4P trong Marketing được sắp xếp về tầm quan trọng như sau: sản phẩm là yếu tố hàng đầu (Product), giá là yếu tố quyết định thứ hai (Price), sau cùng là phân phối (Place) và quảng bá (Promotion). Trọng tâm của doanh nghiệp là làm sao để phát triển sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, từ đó khiến giá cả phù hợp với đại chúng.
Hoạt động truyền thông được áp dụng trên các phương tiện truyền thống như truyền hình, đài phát thanh, báo in,… với các thông tin cơ bản về lợi ích, tính năng và cách sử dụng sản phẩm/dịch vụ.
Thông điệp Marketing được truyền đi đơn chiều từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng mà không có chiều ngược lại – phản hồi từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp. Đồng thời, sự đo lường hiệu quả có nhiều khó khăn.
Marketing 2.0 là gì?
Cuộc Cách Mạng Công Nghệ Thông Tin là khởi nguồn cho Marketing 2.0. Khi Internet trở nên phổ biến, việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn và rẻ hơn rất nhiều.
Người dùng có thể tiếp cận với thông tin về nhiều sản phẩm/dịch vụ, thông tin về doanh nghiệp và cả các kiến thức sao cho lựa chọn được một sản phẩm /dịch vụ phù hợp. Khách hàng chủ động hơn, có nhiều lựa chọn hơn trong đánh giá sản phẩm/dịch vụ.
Yêu cầu của khách hàng không chỉ còn nằm ở nhu cầu cơ bản mà còn đòi hỏi cả về mặt cảm xúc, sự nổi bật về thương hiệu. Họ có “kiến thức” hơn, kỹ tính hơn, cũng như dùng đến “trái tim” (tình cảm dành cho thương hiệu) nhiều hơn trong quyết định mua. Từ đó, canh tranh giữa các công ty tăng lên rất nhiều.
Lúc này, các doanh nghiệp phải chuyển dịch sang Marketing 2.0: tạo sự khác biệt.
Marketing 2.0 lấy khách hàng là trung tâm.
Đây là thời kỳ cạnh tranh về sự khác biệt trong định vị thương hiệu.
Các doanh nghiệp nhận thấy rằng một sản phẩm không thể thỏa mãn nhu cầu cho toàn thị trường, sẽ có những mục đích mua khác nhau. Giai đoạn này bắt buộc doanh nghiệp phải phân khúc và chọn ra nhóm khách hàng mục tiêu tiềm năng nhất. Từ đó xây dựng thương hiệu, tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm/dịch vụ so với đối thủ cạnh tranh và định vị nó trên thị trường.
Marketing 1.0 sang Marketing 2.0, định hướng Marketing chuyển từ “giao dịch” sang “tạo mối quan hệ” với khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu và duy trì sự trung thành với thương hiệu.
Khách hàng là trung tâm, mọi hoạt động Marketing phải bắt nguồn từ khách hàng. Khi phân khúc và lựa chọn được nhóm khách hàng mục tiêu, quyết định này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động Marketing từ định vị, phát triển sản phẩm, định giá, phân phối đến truyền thông. Do đó, công việc Marketing được nâng cấp độ từ chiến thuật lên tầm chiến lược.
Marketing 3.0 là gì?
Marketing 3.0 được kích hoạt bởi công nghệ tương tác. Máy tính và điện thoại smartphone phổ biến với giá phải chăng, internet giá rẻ và nguồn mở (open source) đã giúp người dùng có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng theo thời gian thực, cho phép người dùng kết nối và tương tác với nhau.
Sự tiếp cận thông tin trên Toàn Cầu và sự kết nối với nhau thành các “nhóm cộng đồng mạng” đã khiến cho các khách hàng có nhận thức cao có sự quan tâm hơn đến các vấn đề chung của xã hội và mong muốn thế giới tốt đẹp hơn.
Thông tin mở và công nghệ tương tác đã trao cho khách hàng quyền năng thể hiện hy vọng, lo lắng và tiếng nói cá nhân có thể ảnh hưởng tới hành vi của người khác.
Sự đòi hỏi, mong muốn, tinh thần và giá trị của khách hàng đã vượt ra khỏi nhu cầu cá nhân. Doanh nghiệp cần làm sao để khách hàng cảm thấy khi họ mua sản phẩm/dịch vụ của công ty, họ đang cùng doanh nghiệp làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Dựa trên nhận thức này, Marketing 3.0 ra đời.
Marketing 3.0 lấy con người làm trung tâm.
Đây là thời kỳ định vị dựa trên sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị doanh nghiệp mang đến cho xã hội.
Nếu như Marketing 2.0 lấy khách hàng làm trung tâm, thì Marketing 3.0 ngoài đáp ứng nhu cầu cá nhân cho nhóm khách hàng mục tiêu còn hướng tới tạo ra các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Mối quan hệ giờ đây có thêm sự tham gia của cả những người không phải là khách hàng của bạn, hình thành nên sự tương tác đa thể với đa thể.
Chuyển sang Marketing 3.0, sự khác biệt trong định vị đã được “tiến hóa” bao gồm cả về mặt giá trị doanh nghiệp. Bước chuyển biến này khiến cho vai trò của Marketing tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh.
Marketing 3.0 là thời kỳ đỉnh cao về quyền lực của người tiêu dùng chi phối đến Marketing và nâng tầm vai trò của Marketing trong chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, chưa dừng lại tại đó, Marketing 4.0 ra đời và có những tác động mạnh mẽ đến hiệu quả Marketing.
2. Marketing 4.0 là gì?
Marketing 4.0 lấy con người làm trung tâm trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Đây là thời kỳ dùng công nghệ số để tạo sự kết nối.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, con người ứng dụng kỹ thuật số vào vô vàn ngóc ngách của cuộc sống. Để bắt kịp sự thay đổi trong hành vi khách hàng thời đại này, Marketing 4.0 ra đời.
Nếu như Marketing 3.0 là thời đại bùng nổ của Internet thì bước sang 4.0, đây chỉ là một thành phần của kỷ nguyên số. Những công nghệ số được ứng dụng trong Marketing 4.0 phải kể đến:
- Internet of Things (vạn vật kết nối)
- Cloud (điện toán đám mây)
- Big Data (dữ liệu lớn)
- AI (trí tuệ nhân tạo)
Internet of Things (vạn vật kết nối) là sự kết hợp của internet, công nghệ vi cơ điện tử và công nghệ không dây. Internet giúp kết nối các thiết bị hỗ trợ từ công việc tới cuộc sống thường nhật (điện thoại, máy tính, tivi, lò vi sóng thông minh, xe ô tô tự lái,…) với con người, thu thập và truyền dữ liệu trong thời gian thực qua một mạng internet duy nhất.
Cloud (điện toán đám mây) dựa vào công nghệ máy tính và internet cho phép người dùng sử dụng các dịch vụ liên quan đến lưu trữ thông tin từ một nhà cung cấp nào đó. Người dùng không cần lưu thông tin trên thiết bị của mình, mọi tài nguyên sẽ được lưu trữ, tổ chức và xử lý trên hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ. Google Analytics, Office 365, YouTube, Facebook,… là ví dụ về dịch vụ đám mây lưu trữ. Ngoài ra, tiếp thị tự động hóa cũng hoạt động dựa trên công nghệ đám mây, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu nguồn lực cho doanh nghiệp.
Big data (dữ liệu lớn) là tập hợp “dữ liệu khổng lồ” và đa dạng về loại thông tin khiến các công cụ và ứng dụng truyền thống không thể lưu trữ và tổ chức dữ liệu. Big Data đòi hỏi đến các kỹ thuật khai thác thông tin đặc biệt (crowsourcing, các hệ thống có khả năng học hỏi từ dữ liệu – một nhánh của trí tuệ nhân tạo, phân tích chuỗi thời gian, kết hợp các server mạnh lại với nhau,…).
Big Data (dữ liệu lớn) và ứng dụng trong cuộc sống.
Trong Marketing, Big Data là tập hợp tất cả các dữ liệu liên quan đến khách hàng, các dữ liệu này ngày càng tăng nhanh theo thời gian. Internet of Things cũng là một trong những nguồn dữ liệu của Big Data. Nếu biết cách khai thác Big Data có hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận và trải nghiệm khách hàng.
Ví dụ: trên Facebook có hơn 1 tỷ thành viên tạo ra một tập hợp thông tin khổng lồ phát sinh mỗi ngày, bao gồm văn bản, tập tin, hình ảnh, video, các thông tin người dùng, các trang họ thường ghé thăm,… Tất cả đều được tổ chức và xử lý theo công nghệ Big Data giúp trích xuất các thông tin phù hợp nhằm đề xuất nội dung cho từng cá nhân, cũng như phục vụ nhu cầu trích xuất dữ liệu cho các doanh nghiệp sử dụng Facebook để tiếp thị.
Một website có hàng ngàn người truy cập mỗi ngày cũng tạo ra một lượng dữ liệu lớn về các hành vi tương tác trên đó. Biết cách trích xuất các dữ liệu cần thiết, doanh nghiệp có thể khám phá ra sở thích, thói quen giao dịch trực tuyến, các vấn đề họ quan tâm,…
AI (trí tuệ nhân tạo) là công nghệ được lập trình cho máy móc có khả năng: học tập (thu thập và áp dụng các quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (đưa ra các dự đoán và các kết luận chính xác hoặc gần chính xác), và tự sửa lỗi.
Một số ứng dụng của AI trong Marketing như:
- Target – nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, đã sử dụng AI giúp phân tích dữ liệu lớn (Big data) để phân loại khách hàng dựa trên các thông tin về nhân khẩu học, sản phẩm từng mua, hành vi trên internet,… Từ đó, tìm ra nhóm phụ nữ được “dự đoán” sẽ có thai để quảng cáo sản phẩm em bé.
- AI cho phép các website gợi ý các sản phẩm/dịch vụ phù hợp với nhu cầu khách hàng, hoặc cho phép khách hàng tìm kiếm bằng giọng nói hay hình ảnh.
- AI giúp tối ưu sự cá nhân hóa trong hoạt động tiếp thị: cung cấp quảng cáo phù hợp vào từng thời điểm có khả năng tạo ra chuyển đổi cao nhất trên từng khách hàng.
- Chatbox – công cụ “chat” tự động với người dùng (trên Facebook, website,…) cũng là một ví dụ về ứng dụng của AI, giúp tự nhận dạng ý nghĩa câu dựa trên các cụm từ khóa, các từ đồng nghĩa để có câu trả lời phù hợp đã được cài đặt sẵn.
Khách hàng đang tồn tại song song giữa thế giới trực tuyến và đời thực. Marketing 4.0 không làm lu mờ đi tiếp thị truyền thống mà nó tạo nên sự kết nối giữa online và offline, kết nối đa thể ‘khách hàng – doanh nghiệp – xã hội’, giúp trải nghiệm của khách hàng trở nên xuyên suốt và nhất quán.
Xem thêm các bài viết tại:
Nguồn bài viết: https://gobranding.com.vn/marketing-40-la-gi/