• Home / Uncategorized / Mới vào nghề…

Mới vào nghề PR: Để có chỗ đứng, hãy tự học hỏi từ 7 nguồn này

PR/Marketing là một trong những ngành nghề đang hot nhất hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều bạn bước chân vào nghề mà không thực sự hiểu rõ bản chất công việc. Điều này sẽ làm ngành Marketing –  Communication ở Việt Nam vốn đang đầy những khái-niệm-bị-hiểu-sai sẽ thêm phần nhiễu loạn, kém chất lượng hơn.

Nếu bạn thực sự thấy mình đủ tố chất, sự thấu hiểu và đam mê cho nghề PR/Marketing nhưng vẫn đang loay hoay không biết bắt đầu học gì, làm gì, ở đâu,…thì bài viết này sẽ dành cho bạn.

Trước khi thử làm 7 điều sau đây, bạn hãy hít một hơi sâu và chuẩn bị một tinh thần vững vàng. Sẽ có rất nhiều khái niệm xuất hiện. Đừng quá háo hức mà lao vào làm tất cả một lúc để rồi rối loạn. Hãy bắt đầu với từng khái niệm một. Đọc đến đâu, tự thực hành ngay đến đó.

1. Tham gia các Group, theo dõi Fanpage và nhận RSS của các blog truyền thông

Đây là những nơi tập trung đông đảo và chất lượng những người làm PR – MKT chuyên nghiệp. Đây là cách nhanh nhất để bạn:

– Học tập các case study từ hãng lớn tới doanh nghiệp nhỏ. Thông qua các post bàn luận ở Group hay tin bài website/blog. Theo dõi bình luận để học tập kiến thức và ý tưởng của tất cả mọi người.

– Thu nhặt các tài liệu hữu ích cho nghề: nghiên cứu, báo cáo, ebook…

– Cập nhật công nghệ, xu hướng khách hàng, thị trường… Ví dụ: sự thay đổi thuật toán hiển thị trên newsfeed của Facebook, xu hướng marketing 2019…

Vậy bạn nên tham gia/ theo dõi những trang nào? Sau đây là một nguồn uy tín mà Sage gợi ý:

– Group Facebook: VMCC – Vietnam Marketing & Communications ClubCộng đồng Copywriter Việt Nam, Mỗi ngày 1 cuốn sách về Marketing – Truyền thông,…

– Facebook Fanpage: Hội những người thích quảng cáoCuộc sống Agency: các page chuyên chia sẻ thông tin để bạn biết nghề của mình thực tế làm những gì cũng như để sưu tầm tài liệu hay).

– Website: http://www.brandsvietnam.comhttp://www.makeitnoise.com/http://nguyendinhthanh.com/…

– MXH Linkedin – dành riêng cho dân MarCom chuyên nghiệp.

2. Cập nhật và đọc các loại Nghiên cứu / Báo cáo về ngành và các mảng dịch vụ. Sưu tầm các template chiến dịch PR- Marketing

Đây là lối đi tắt giúp bạn nắm bắt nhanh tình hình thị trường, tâm lý người dùng cũng như cách nghiên cứu thị trường, đối thủ, khách hàng để đề ra hướng đi cho thương hiệu của mình.

Các kiến thức này vốn được đúc kết thành sách và giáo trình nhưng sẽ rất lâu và khó để một người mới vào nghề hiểu hết các lý thuyết khi không có kinh nghiệm thực tế, cũng như không có giáo viên phân tích, diễn giải. Do đó, bạn có thể chọn cách tự học theo lối tắt bằng cách tìm hiểu thật nhiều ví dụ sau đó đọc sách để tự kiểm nghiệm lại.

Tất nhiên đa số các báo cáo trên google đều free nên sẽ không chi tiết và chỉ có giá trị tham khảo nhưng không vì thế mà chúng ta từ chối việc biết cái mà ta chưa biết. Vậy tìm kiếm báo cáo, nghiên cứu, template này lấy ở đâu? Dưới đây là một số gợi ý:

– Tại các Group/Fanpage Facebook, Blog, Website nói trên (nhớ thường xuyên theo dõi/đăng ký nhận bài)

– Tại trang chia sẻ slide rất nổi tiếng: http://www.slideshare.net/ (hãy google theo từ khóa)

– Tại blog này: Tổng hợp 80+ Báo cáo, Nghiên cứu, các mẫu Kế hoạch và Báo cáo PR – MKT

3. Chọn và đọc sách chuyên ngành

Tại sao đọc sách lại xếp thứ 3? Như đã đề cập bên trên, đừng lao vào đọc sách ngay từ đầu, nhất là các cuốn giáo trình với cách trình bày hàn lâm, hay các cuốn viết bởi chuyên gia với dày đặc các thuật ngữ. Bạn sẽ bị choáng ngợp, hoang mang, không biết bắt đầu như thế nào.

Trước hết, hãy tham gia các group, đọc các nghiên cứu nhỏ nhưng sát thực tế để có cái nhìn nhất định về thực tế công việc của người làm PR – Marketing ngoài kia.

Sau đó lùi lại một chút, đọc sách một cách chậm rãi. Vừa đọc vừa liên hệ đối sánh với các case study đã quan sát được. Bạn thấy mọi thứ rõ ràng và dễ hiểu hơn nhiều.

Một số đầu sách nên đọc trước:

– 22 quy luật bất biến trong marketing

– 22 quy luật bất biến trong xây dựng thương hiệu

– Thương hiệu lớn rắc rối lớn

– Tập trung để khác biệt

– Cuộc chiến phòng họp

– Đánh lửa thương hiệu

4. Quan sát. Quan sát. Quan sát. Săm soi tất cả. Học khắp mọi nơi.

Đây là lúc bạn tự thực hành những gì đã “học mót” từ mọi người hay tự đọc trong sách.

Soi từng mẩu quảng cáo bạn thấy trên tivi. Xem quảng cáo xong bạn ấn tượng cái gì? Có tên sản phẩm, hay slogan, hay màu sắc gì đó đọng lại trong bạn không?

Đừng bỏ qua bất cứ một sự ồn ào nào trên FB vì có thể có ai đó đang làm chiến dịch truyền thông bằng MXH đấy!

Đi ăn nhà hàng, hãy xem họ bài trí như thế nào, thiết kế bàn ghế và màu sắc bát đũa ra sao, vị trí như thế nào, để xe tiện không, nhân viên “ngoan” không? Một quán ăn dù trông thường thường nhưng lại rất đông khách. Hãy tự hỏi mình vì sao họ đông khách. Vị trí ? Không có quán khác cạnh tranh? Có khuyến mại gì hấp dẫn? Do nhiều người khen truyền miệng?

Click vào một mẫu quảng cáo này, điều gì khiến bạn bị thu hút? Text? Màu? Hình ảnh? Nội dung hợp nhu cầu? Chạy quảng cáo thế nào? (Bạn vừa nói chuyện với bạn bè về mẫu áo mới nhất thì ngay lập tức mẩu quảng cáo của hãng đó hiện lên newsfeed của bạn)

Liên tục đặt câu hỏi. Liên tục tự trả lời. Nghi ngờ và thắc mắc mọi lúc mọi nơi. Biến nó thành căn bệnh nghiệp khó chữa!

Tóm lại, hãy tự tìm case study cho chính mình – Học ngay từ khách hàng và đối thủ.

5. Đi học một khóa học về truyền thông

Cũng không nên đi học khi chưa có nền kiến thức căn bản. Bạn sẽ không hiểu gì cả và  sẽ không muốn học thêm nữa. Hãy tìm hiểu trước để khi đi học bạn có “dắt túi” vốn liếng gì đó –  đủ để bạn hiểu chuyện gì đang xảy ra, theo kịp chương trình học và có khả năng đặt câu hỏi để mở rộng, đào sâu vấn đề.

Câu hỏi tiếp theo là: Học gì? Học ở đâu? Tốn bao nhiêu?

– Học các khóa chuyên về một kênh/một công cụ Marketing như: Adwords, SEO, Copywriting, Facebook Marketing, Youtube Marketing… Các khóa lẻ này phù hợp cho những bạn muốn làm ở Agency chuyên cung cấp dịch vụ; hoặc chuyên viên tại các tập đoàn lớn (có đội ngũ marketer đầy đủ). Để học hết tất cả các kênh sẽ tốn ít nhất 15-20 triệu. Bạn có thể tự học tuy nhiên khi tham dự các khóa này, bạn sẽ được học về tư duy, bản chất cốt lõi. Ngoài ra, bạn cũng sẽ mở rộng được networking của mình. Đó là cơ hội mà nếu tự học tại nhà, bạn sẽ không thể nào có được

– Nếu bạn mới bắt đầu nghề PR, và loay hoay tìm đường phát triển sự nghiệp, có thể tham khảo khóa học Practical PR Specialist của Sage. Khóa học này sẽ giúp bạn nắm chắc được bản chất của ngành nghề, học hỏi được tư duy của một PR chuyên nghiệp,…

6. Tham gia hội thảo/ workshop của ngành

Khi đã có nền tảng, đi hội thảo bạn mới hiểu mọi người nói gì, có khả năng đặt câu hỏi và phản biện… Điều này tránh lãng phí tiền của mà nghe lơ mơ không hiểu gì và không dám hỏi gì,…

Bạn có thể tìm hiểu các Hội thảo/Coffee talk do VMCC, Sage tổ chức hàng tuần, hàng tháng; hoặc hội thảo do các Agency như Viet CRM, Links lead… tổ chức. Đơn giản hơn nữa là tham gia các buổi trao đổi, cà phê trà đá giữa anh em trong nghề. Chi phí cho các hội thảo như thế này thường là 100,000 – 200,000đ; có thể kèm đồ ăn thức uống hoặc không.

7. Đi làm và tự chạy một kế hoạch cho chính mình

Không ai học bơi trên cạn. Học phải đi đôi với hành.

– Nếu chưa biết việc hãy xin làm thực tập sinh (intern) kể cả lương thấp hoặc không lương để học việc.

– Biết chút ít việc rồi thì bắt tay vào tự lập kế hoạch (tham khảo các bản Kế hoạch mẫu) và nhờ mọi người góp ý.

– Thực hành, trải nghiệm ngay với thương hiệu của mình xem nó “sống chết” thế nào.

7 điều trên tuy nhiều nhưng không bao giờ là đủ để nói về thế giới MarCom rộng lớn. Hãy tìm hiểu kỹ, suy nghĩ kỹ trước khi dấn thân vào nghề này. PR – Marketing không đơn giản là học một ít quảng cáo Facebook, viết một hai “bài PR” là đã hành nghề được. Chuẩn bị một kiến thức chắc chắn, thực hành hàng ngày sẽ giúp bạn phát triển hơn trong tương lai.

 

(Theo: http://sage.edu.vn)